TỔ HỢP BAUXITE - NHÔM LÂM ĐỒNG:
Vượt qua thử thách, vươn đến thành công
Cập nhật lúc 08:29, Thứ Năm, 28/09/2017 (GMT+7)
10 năm kể từ ngày khởi công xây dựng, 5 năm bắt đầu cho ra sản phẩm alumin, 4 năm chính thức vận hành thương mại, Tổ hợp Bauxite - Nhôm Lâm Ðồng đã trải qua nhiều khó khăn thử thách. Tuy nhiên, với quyết tâm “làm cho được và làm cho có hiệu quả” của tập thể cán bộ và công nhân trong Tổ hợp, đến nay, dự án này đã từng bước đem lại những kết quả bước đầu và đang vươn đến thành công trong tương lai không xa.
 
Toàn cảnh Nhà máy alumin nhìn từ hồ bùn đỏ (ảnh do Công ty cung cấp)
Toàn cảnh Nhà máy alumin nhìn từ hồ bùn đỏ (ảnh do Công ty cung cấp)

Gian nan đặt nền tảng
 
Dự án Tổ hợp Bauxite Nhôm Lâm Đồng đã được Bộ Chính trị thông qua về chủ trương tại Nghị quyết Đại hội X của Đảng Cộng sản Việt Nam. Việc quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng bauxite giai đoạn 2007 - 2016 xét đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 167/QĐ-TTg ngày 1/11/2007. Đây là dự án nhóm A do Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư trên 15.400 tỷ đồng. Trong suốt quá trình thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị và tiến tới bàn giao các hạng mục công trình để đưa vào vận hành sản xuất, dự án đã trải qua các mốc quan trọng, gồm: Khởi công xây dựng Nhà máy alumin vào tháng 7/2008, khai thác mẻ quặng bauxite đầu tiên vào tháng 2/2011, hoàn thành Nhà máy Tuyển quặng và Tuyến băng tải vận chuyển quặng tinh sang Nhà máy alumin để đưa vào sản xuất tháng 1/2013, chạy thử và cho ra hạt sản phẩm alumin đầu tiên vào tháng 12/2012. Đặc biệt, từ ngày 1/10/2013, toàn bộ tổ hợp được bàn giao cho Công ty TNHH MTV Nhôm Lâm Đồng (LDA) và chính thức đi vào vận hành thương mại theo hình thức vận hành thuê cho Tập đoàn TKV, giao hàng trên phương tiện vận tải tại nhà máy. Có thể nói, chỉ sau 4 năm tiếp quản, LDA đã từng bước làm chủ công nghệ và tự tin tiếp quản toàn bộ tổ hợp. 
 
Với một ngành công nghiệp hoàn toàn mới thì những câu hỏi, những dư luận trái chiều đã là một thách thức quá lớn cho những người trực tiếp điều hành, triển khai dự án, chưa nói đến những vấn đề chuyên môn. Ông Vũ Minh Thành, Tổng Giám đốc LDA cho biết: “Ngay khi tiếp quản tổ hợp, rất nhiều thách thức, trở ngại mà Ban lãnh đạo cũng như toàn thể cán bộ, công nhân viên làm việc cho tổ hợp phải đối mặt. Xác định được những khó khăn và thách thức đó, ban lãnh đạo Công ty đã vạch ra quyết sách linh hoạt, kiên trì khắc phục những khó khăn để đảm bảo cho việc vận hành được thông suốt, ổn định toàn bộ tổ hợp, nâng dần công suất vận hành trong điều kiện thiếu sự hỗ trợ của các chuyên gia”. 
 
Những khó khăn, thử thách trong thời gian đầu đặt những “viên gạch” nền tảng rồi cũng qua đi. Ba hợp phần chính của tổ hợp gồm: Khai thác quặng bauxite nguyên khai, tuyển quặng và luyện alumin đến thời điểm hiện tại đều đã vận hành trên 95% công suất. Mỏ bauxite Tây Tân Rai được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép vào ngày 21/6/2010 với tổng diện tích khu vực khai thác rộng hơn 1.600 ha, được áp dụng công nghệ khai thác lộ thiên. Tổng trữ lượng khai thác gần 120 triệu tấn quặng. Công suất khai thác trung bình mỗi năm khoảng 4,3 triệu tấn. Từ năm 2011 đến nay, tổng sản lượng quặng đã được khai thác là hơn 15 triệu tấn. Quặng nguyên khai sau khi khai thác sẽ được đưa vào nhà máy tuyển quặng với công suất tuyển quặng tinh trung bình gần 1,8 triệu tấn/năm. Đến nay, nhà máy đã tuyển rửa được 6,6 triệu tấn quặng tinh để phục vụ cho việc sản xuất alumin. Công tác sản xuất alumin được lựa chọn theo công nghệ Bayer của Châu Mỹ. Hiện nay, đa số các nhà máy alumin trên thế giới đều sử dụng phương pháp Bayer này. Thực tế sản xuất thời gian qua tại tổ hợp cho thấy, công nghệ sản xuất alumin đang áp dụng là hợp lý. Trong quá trình vận hành, chất lượng sản phẩm alumin luôn đạt theo cam kết của hợp đồng và được đánh giá là tương đương với sản phẩm alumin của Úc và một số nước khác.
 
Để đảm bảo cho Nhà máy alumin vận hành với sản lượng 630.000 tấn alumin/năm, một nhà máy điện với công suất 30 MW và khối lượng hơi cao áp sản xuất là 300 tấn/giờ đã chủ động cung cấp toàn bộ điện và hơi cao áp cho quá trình gia nhiệt phục vụ sản xuất alumin. Bên cạnh đó, một nhà máy sản xuất khí hóa than với sản lượng khí gas từ 48.000 đến 55.000 Nm3/h được chuyển sang phục vụ cho quá trình nung hydrat thành alumin. Nếu như năm 2012, sản lượng alumin được sản xuất đạt gần 14.000 tấn thì đến năm 2016, sản lượng này đã đạt xấp xỉ 600.000 tấn và dự kiến trong năm nay, sản lượng sẽ đạt bằng công suất thiết kế là 630.000 tấn alumin. Sản phẩm của công ty đã được xuất khẩu sang các nước Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc với giá bình quân cả năm đạt 326,5 USD/tấn, cao hơn tính toán ban đầu của dự án.
 
Làm chủ công nghệ
 
Đến hiện tại, Tổ hợp Bauxite - Nhôm Lâm Đồng đã hoạt động tương đối ổn định. Nói như thế không có nghĩa những khó khăn là không còn. Hằng ngày, hằng giờ, tổ hợp luôn phải đối diện với những khó khăn tiềm ẩn phát sinh. Đó là an toàn lao động, an toàn môi trường … Thế nhưng, bằng sự sáng tạo trong quá trình tiếp cận, vận hành nhà máy, cán bộ, công nhân viên Công ty LDA đã có những sáng kiến, các giải pháp đột phá trong công tác quản lý, vận hành thiết bị. Nhờ đó, dây chuyền sản xuất và các trang thiết bị đã từng bước được củng cố, hoàn thiện theo hướng hiện đại, ưu tiên ứng dụng tự động hóa, đảm bảo thiết bị hoạt động ổn định. Đặc biệt, công tác an toàn lao động, an toàn môi trường luôn được quan tâm hàng đầu. Tất cả các nguy cơ mất an toàn môi trường đều được xây dựng phương án ứng cứu, xây dựng các giải pháp phòng ngừa, luôn kiểm soát một cách chặt chẽ bằng nhiều tầng kiểm soát. Công ty nghiêm túc đo kiểm, đánh giá, giám sát các yếu tố môi trường, như: Bụi, khí thải, tiếng ồn, độ rung, nước ngầm, nước thải, nước mặt, không khí… theo định kỳ. Công tác vận hành hồ bùn đỏ được thực hiện đúng theo thiết kế và quy trình được duyệt.
 
Đóng bao alumin tại Nhà máy alumin (ảnh do Công ty cung cấp)
Đóng bao alumin tại Nhà máy alumin (ảnh do Công ty cung cấp)

Có thể khẳng định, đến nay, cán bộ, công nhân viên công ty đã hoàn toàn làm chủ công nghệ, khống chế tốt các quá trình sản xuất, đảm bảo chất lượng sản phẩm luôn đạt tiêu chuẩn kỹ thuật thiết kế và tiêu chuẩn tiêu thụ trên thị trường quốc tế. Ông Vũ Minh Thành khẳng định: “Trong lĩnh vực điều hành sản xuất, Ban lãnh đạo Công ty đã chỉ đạo thiết lập và dần hoàn thiện một số mô hình tổng thể làm “xương sống” cho việc điều hành sản xuất toàn tổ hợp, như: Mô hình bố trí điều hành sản xuất theo hai cụm Mỏ - Tuyển và Nhà máy alumin; Mô hình kết nối điều hành sản xuất hàng ca, xây dựng lịch tác nghiệp - giao ban sản xuất hàng tuần; Mô hình tổ chức khai thác mỏ - dự phòng quặng nguyên khai tại kho tối ưu, phù hợp với điều kiện tự nhiên và khí hậu khu vực Tây Nguyên… Song song đó, xác định giảm giá thành sản xuất là yếu tố then chốt quyết định giá thành sản phẩm, ban lãnh đạo Công ty đã nghiên cứu xây dựng chi tiết sơ đồ công nghệ và quy trình khai thác quặng bauxite phù hợp, tối ưu tại mỏ Tân Rai; chỉ đạo, động viên đội ngũ kỹ sư, thợ vận hành khu vực nhà máy alumin nỗ lực, sáng tạo tiếp quản làm chủ công nghệ, khống chế tốt các quá trình sản xuất, đảm bảo chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn”. Chính việc tiếp cận quản lý và giải quyết các vấn đề công nghệ một cách bài bản, sáng tạo, Công ty đã từng bước thiết lập, duy trì vận hành thành công ở mức tải xấp xỉ 100% công suất thiết kế. Hiệu suất hòa tách của dây chuyền luôn ổn định trên 91%, cao hơn so với thiết kế. Sản phẩm alumin có hàm lượng Al2O3 đạt 98,9%, vượt so với thiết kế là 98,6%. Hầu hết các chỉ tiêu tiêu hao đều giảm so với thiết kế. Điều này góp phần đáng kể vào việc giảm giá thành sản phẩm. Từ mức giá thành vận hành khoảng 5,2 triệu đồng/tấn alumin vào năm 2014 đã giảm xuống còn 4,1 triệu đồng/tấn vào năm 2016. Đến nay, con số này tiếp tục giảm xuống còn hơn 3,9 triệu đồng/tấn alumin. Nhờ đó, hiệu quả sản xuất, kinh doanh hàng năm của công ty đều đạt và vượt kế hoạch, năm sau cao hơn năm trước. Dự án đã bắt đầu có lãi với giá trị trên 50 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2017, sớm hơn kế hoạch 2 năm. Điều quan trọng hơn, từ khi đi vào hoạt động, tổ hợp đã tạo công ăn, việc làm đảm bảo thu nhập cho người lao động. Hiện nay, tổng số cán bộ, công nhân viên của công ty là 1.649 người. Với thu nhập tăng dần từ 6,6 triệu đồng/người/tháng năm 2014 lên 7,3 triệu đồng năm 2015 và 8 triệu đồng năm 2016. 
 
Góp phần an sinh xã hội
 
Hàng năm, ngân sách mà Công ty LDA đóng góp cho địa phương không ngừng tăng. Trong 7 năm (từ năm 2011 đến 2017), tổng ngân sách đã đóng góp cho địa phương gồm thuế tài nguyên, phí môi trường và thuế phí khác là 984 tỷ đồng. Con số nộp ngân sách trên chưa bao gồm Ban QLDA đã nộp vào ngân sách địa phương kể từ khi đầu tư dự án đến nay trên 1.300 tỷ đồng. Ngoài đóng góp ngân sách thì vấn đề an sinh xã hội luôn được quan tâm. Ngay từ đầu triển khai, dự án đã tổ chức quy hoạch khu tái định cư và tái định canh để đáp ứng nhu cầu của người dân. Khu tái định cư thuộc thị trấn Lộc Thắng với diện tích 48,6 ha đủ đáp ứng nhu cầu của người dân trong vùng dự án. Tại khu tái định cư này, 34 căn nhà đã được xây tặng cho bà con dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên. Hỗ trợ đầu tư, lắp đặt đường nước máy, mua đất xây dựng nhà sinh hoạt cho Tổ dân phố 23, 24 (thị trấn Lộc Thắng) với số tiền 180 triệu đồng. Hỗ trợ thị trấn Lộc Thắng xây dựng 17 nhà sinh hoạt của các tổ dân phố, trước hết, năm 2017 đã hỗ trợ xây dựng 4 nhà với giá trị 2,9 tỷ đồng. Hỗ trợ Tổ dân phố 15 và 16 xây dựng hệ thống mương thoát nước và chiếu sáng 2 bên đường với số tiền 753 triệu đồng.
 
Ngoài ra, tại các huyện, xã thuộc vùng dự án Tân Rai, công ty đã đầu tư xây dựng 4 trường học (từ mẫu giáo đến trung học cơ sở), làm đường vào Khu Trung tâm Giáo dục của huyện Bảo Lâm và Trường phổ thông Dân tộc nội trú Bảo Lâm. Hỗ trợ kinh phí giúp đỡ các địa phương khác của tỉnh phát triển kinh tế để thoát nghèo, như: Hỗ trợ  xây dựng 13 trường học, 5 trạm y tế, xóa 20 nhà dột nát, xây dựng 1 chợ và ủng hộ Quỹ xóa đói giảm nghèo, Quỹ bảo trợ trẻ em, Quỹ đào tạo nghề, từ thiện khác... Tổng kinh phí cho các hoạt động an sinh xã hội tại Lâm Đồng từ khi bắt đầu dự án đến nay là trên 263,5 tỷ đồng, chưa kể số tiền hỗ trợ cải tạo Tỉnh lộ 725 (đi qua tỉnh Lâm Đồng với tổng giá trị là 177 tỷ đồng).
 
Làm việc với Công ty LDA, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định: “Tôi đánh giá cao tinh thần đoàn kết, tập trung phát huy trí tuệ, tinh thần kỷ luật và sáng tạo của tập thể công ty trong những năm qua. Nhôm Lâm Đồng là một trong hai đơn vị tiên phong trong hoạt động khai thác, sản xuất, kinh doanh bauxite và alumin của cả nước. Đây là những dự án lớn có tác động đến nền kinh tế của cả nước và khu vực Tây Nguyên, góp phần giảm nhập siêu, thúc đẩy phát triển kinh tế”.
 
ÐÔNG ANH
,
.