Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nhôm Lâm Đồng (LDA): Dấu mốc sau 7 năm tiếp quản
Ngày 1-10-2013, dấu mốc quan trọng đầu tiên trong sự phát triển là toàn bộ Tổ hợp Bauxite - Nhôm Lâm Đồng được bàn giao cho Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nhôm Lâm Đồng – TKV (LDA) tiếp quản và chính thức đi vào vận hành thương mại đã mang lại kết quả tích cực trong việc khai thác, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Chỉ sau 4 năm đi vào vận hành, tổ hợp Bauxite của tập thể cán bộ công nhân viên LDA đã phát huy được vai trò tiếp quản, phát triển và đổi mới vững vàng làm chủ công nghệ.
Gian nan và khó khăn
Tiếp quản Tổ hợp mang tính chất “nhạy cảm” với những nguồn dư luận trái chiều mà phần lớn là u ám, mịt mờ về tính hiệu quả của Dự án, vấn đề môi trường, vấn đề xã hội…, lại là một ngành công nghiệp hoàn toàn mới, với những người LDA, đó là những ngày tháng “căng mình” để chứng minh hiệu quả công việc.
Trước đó, trong giai đoạn xây dựng, chuyển giao công nghệ nhà máy, đời sống người lao động gặp nhiều khó khăn. Với mức lương xấp xỉ 4 triệu đồng/tháng, lại nghe phong thanh dư luận xì xầm nhà máy không thể đi vào sản xuất, nhiều công nhân giao động, viết đơn xin nghỉ việc. Ông Vũ Minh Thành - Tổng Giám đốc LDA – một trong số những người đầu tiên tiếp quản Tổ hợp - không khỏi xúc động khi nhớ lại thuở ban đầu gian khó ấy. Trên vai trò “thuyền trưởng”, hơn ai hết, ông hiểu, nếu Công ty không phát triển, đồng nghĩa với 1.500 lao động và gia đình họ sẽ lâm vào khó khăn. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc nhiệm vụ chính trị không chỉ của LDA mà của toàn Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) không hoàn thành.
Nhận diện khó khăn, thách thức; xác định rõ nhiệm vụ, ban lãnh đạo LDA vạch ra những quyết sách linh hoạt, sáng tạo, kiên trì khắc phục các khó khăn, giải quyết các vướng mắc, duy trì vận hành thông suốt, ổn định toàn bộ Tổ hợp, nâng dần công suất vận hành trong điều kiện thiếu sự hỗ trợ của chuyên gia.
Trong lĩnh vực điều hành sản xuất, ban lãnh đạo Công ty chỉ đạo thiết lập và dần hoàn thiện một số mô hình tổng thể làm xương sống cho việc điều hành sản xuất toàn tổ hợp, như: mô hình bố trí điều hành sản xuất theo 2 cụm mỏ - tuyển và Nhà máy alumina; mô hình kết nối điều hành sản xuất hàng ca, xây dựng lịch tác nghiệp - giao ban sản xuất hàng tuần; mô hình tổ chức khai thác mỏ - dự phòng quặng nguyên khai tại kho tối ưu, phù hợp với điều kiện tự nhiên và khí hậu khu vực Tây Nguyên…
Song song đó, xác định giảm giá thành sản xuất là yếu tố then chốt quyết định giá thành sản phẩm, ban lãnh đạo và Tổng Giám đốc Công ty nghiên cứu xây dựng chi tiết sơ đồ công nghệ và quy trình khai thác quặng bauxite phù hợp, tối ưu tại mỏ Tân Rai; chỉ đạo, động viên đội ngũ kỹ sư, thợ vận hành khu vực Nhà máy alumina nỗ lực, sáng tạo tiếp quản làm chủ công nghệ, khống chế tốt các quá trình sản xuất, bảo đảm chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn kỹ thuật thiết kế và tiêu chuẩn tiêu thụ trên thị trường quốc tế; động viên, khuyến khích, tạo cơ chế và quyết định cho áp dụng nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong sản xuất; mạnh dạn cho thử nghiệm, ứng dụng các công nghệ mới,… nhằm tăng hiệu quả, hiệu suất vận hành, giảm tiêu hao nguyên vật liệu, hạ giá thành sản xuất… Chính việc tiếp cận quản lý và giải quyết các vấn đề công nghệ một cách bài bản, sáng tạo đã từng bước thiết lập, duy trì vận hành thành công ở mức tải xấp xỉ 100% công suất thiết kế. Hầu hết các chỉ tiêu tiêu hao đều giảm so với thiết kế.
Cùng với đó là các biện pháp quản trị công nghệ, giao khoán, quản trị chi phí theo các định mức đã tạo ra kết quả hết sức ấn tượng và có ý nghĩa trong việc giảm giá thành sản xuất. Cụ thể, từ mức giá thành vận hành 5.181.000 đồng/tấn alumin bình quân năm 2014, năm 2016 đã giảm xuống còn 4.107.000 đồng/tấn, năm 2017 giảm xuống còn 3.935.000 đồng/tấn. Nhờ đó, hiệu quả sản xuất - kinh doanh hằng năm của Công ty đều đạt và vượt kế hoạch, năm sau cao hơn năm trước.
Niềm tin được khẳng định
Những ngày gần đây, giá alumin trên thị trường quốc tế liên tục tăng cao là những tín hiệu đáng mừng. Còn tại LDA, nhìn những cán bộ, công nhân vận hành nhà máy vững vàng làm chủ công nghệ; các vấn đề an toàn, môi trường, xã hội,… được thực hiện một cách chỉn chu, bài bản, nhiều nghi ngờ trước đó đã được xóa tan.
Tổng Giám đốc Vũ Minh Thành cho biết, đến nay, có thể khẳng định chủ trương phát triển ngành công nghiệp bauxite - nhôm của Đảng và Chính phủ là hoàn toàn đúng đắn. Tổng sản lượng alumin quy đổi sản xuất 8 tháng đầu năm 2017 của Công ty đạt 430.500 tấn, tương đương 68,3% cùng kỳ năm 2016; tổng doanh thu thực hiện đạt 1.651,1 tỷ đồng, tương đương 65,4% kế hoạch năm 2017; thu nhập lao động tiền lương, tiền lương bình quân xấp xỉ 7 triệu đồng/người/tháng. Sản phẩm alumin của Công ty xuất khẩu sang các nước Xin-ga-po, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc với giá bình quân cả năm đạt 326,5 USD/tấn, cao hơn tính toán ban đầu của dự án.
Ngoài ra, Công ty còn khẳng định trách nhiệm với địa phương bằng việc hỗ trợ bà con dân tộc thiểu số, xây dựng các công trình an sinh xã hội có ý nghĩa, tổng kinh phí cho các hoạt động an sinh xã hội tại Lâm Đồng từ khi bắt đầu dự án đến nay là trên 263,5 tỷ đồng, chưa kể số tiền hỗ trợ cải tạo tỉnh lộ 725 (đi qua tỉnh Lâm Đồng, tổng giá trị 177 tỷ đồng).
Giải thích về một số dư luận xung quanh công tác bảo vệ môi trường, nhất là hồ bùn đỏ, ông Thành khẳng định: các hồ chứa bùn đỏ luôn được bảo đảm an toàn tuyệt đối. Ngoài hệ thống đo kiểm của Công ty thực hiện quan trắc môi trường định kỳ 4 lần/năm theo đúng quy định, còn có hệ thống quan trắc độc lập của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng. Mọi biến động liên quan đến hồ bùn đỏ đều được báo cáo tự động bằng máy móc hiện đại. Kết quả cho thấy, các thông số môi trường của dự án đều được bảo đảm theo tiêu chuẩn cho phép. Bên cạnh đó, Công ty luôn thực hiện nghiêm túc công tác hoàn thổ ngay trong quá trình khai thác, hoàn nguyên ngay sau khi kết thúc khai thác theo hình thức cuốn chiếu, khai thác xong đến đâu tiến hành hoàn thổ, hoàn nguyên đến đấy. Trên diện tích đất hoàn thổ sau khai thác rộng 18,25ha, hàng nghìn cây keo lá chàm cao 50cm đến quá đầu người xanh tươi trên vùng đất đỏ.
Trong 2 dự án khai thác bauxite, Tân Rai là dự án đi trước, là những “viên gạch hồng” đầu tiên đưa đến những thành công sau này. Đến với Nhôm Lâm Đồng hôm nay, một màu xanh đã hiện hữu, thể hiện sức sống của một ngành công nghiệp mới góp phần thay đổi cuộc sống của người dân nơi đây. Khó khăn chưa phải đã hết, nhưng với sự chỉ đạo sát sao của Tập đoàn TKV; sự quyết tâm, bản lĩnh, dám nghĩ dám làm của những người đứng đầu Công ty; sự chung sức, đồng lòng của tập thể những người biết vì công việc chung mà phấn đấu, LDA đang từng bước khẳng định mình, để phát triển ngành nhôm lên tầm cao mới, vị thế mới trên thị trường trong nước và thế giới
.
Nguyễn Văn ( Tạp chí Cộng sản)